Shopping cart close
ホットライン: 0222.3.699.167

ブログ

ニュース

Tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản lên tầm cao mới

(ĐCSVN) – Ngày 21/9/1973, Nhật Bản và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… tạo nhiều dấu ấn trong 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Sự đồng điệu và cộng hưởng lịch sử, kinh tế, văn hóa, con người

Việt Nam và Nhật Bản đều là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển có mối quan hệ từ khá sớm và có nhiều điểm tương đồng. Vào Thế kỷ thứ 8, Khiễn Đường Sử, Heguri Hironari là người Nhật Bản đầu tiên đến Côn Lôn (Nay là Côn Đảo) của Việt Nam. Cũng thời điểm này, nhà sư phật triết Từ Lâm Ấp (Chăm Pa, nay thuộc miền Trung Việt Nam) đến thăm Nhật Bản và sống tại chùa Daian Ji, Tỉnh Naru. Từ đây Ông giới thiệu Lâm Ấp Nhạc (một thể loại Nhã nhạc) tới Nhật Bản và đóng vai trò quan trọng tại Lễ cúng dường khai nhãn Đại phật ở chà Todai-Ji.

Quốc kỳ Việt Nam – Nhật Bản

Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề sau thế chiến thế giới thứ 2, Việt Nam trải qua nhiều mất mát hy sinh sau chiến tranh và cùng có nhiều điểm tương đồng trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Về kinh tế, thế kỷ 16, 17 là thời kỳ mối quan hệ Việt – Nhật phát triển rõ nét, nhất là sự hình thành đô thị Hội An (Quảng Nam) và mối giao thương giữa hai nước cũng như giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực thông qua Hội An. Dấu ấn của quan hệ Việt- Nhật trong thời kỳ này cũng để lại khá đậm nét trong những thư khố của Nhật Bản. màn biểu diễn của “Châu Ấn Thuyền” trong Lễ hội Nagasaki Kun chi, tỉnh Nagasaki.

Về không gian văn hóa Việt – Nhật, trong thời kỳ cận đại, Nhật Bản chọn con đường tự lực, tự cường, con đường cải cách, con đường “Minh Trị”. Đó là một tấm gương cho người Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam còn ở chế độ phong kiến lạc hậu, lỗi thời và đóng cửa với bên ngoài…  Nhiều nhà yêu nước Việt Nam đã nhìn Nhật Bản như một tấm gương để học tập, như cụ Phan Bội Châu với phong trào Đông Du…. Trong giai đoạn hiện nay, nhiều người Việt Nam sang Nhật Bản học tập, làm việc, người Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư…, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu văn hóa, tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa hai dân tộc. Trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa, nhiều các chuyên gia, trường đại học Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả trong các dự án lớn như khai quật và bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long, khôi phục lại giá trị lịch sử của Hội An, đặc biệt của kinh thành Huế.

Nhật Bản luôn trân trọng quá khứ lịch sử giữa hai nước để rút ra các bài học thiết thực, coi đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững ngày nay. Với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, các nhà sử học Nhật Bản chủ động hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu, điều tra xã hội học những vấn đề lịch sử trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai.

Trên lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản có nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới. Kinh tế Nhật Bản vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Việt Nam coi Nhật Bản là một mô hình để học hỏi vì rất gần gũi với hoàn cảnh Việt Nam. Nhật Bản cũng rất chia sẻ với Việt Nam về điều này với sự hợp tác, viện trợ thiết thực, hiệu quả.

Nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản – Việt Nam là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người.…một câu chuyện tình yêu 400 năm về trước giữa thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản và công chúa Ngọc Hoa của triều Nguyễn trở thành huyền thoại hình thành lên vở opera “Công nữ Anio” được công diễn vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản sẽ là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình Nhật Bản đã tổ chức các phong trào chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Chính từ sự đồng điệu và cộng hưởng lịch sử, kinh tế, văn hóa và con người, sự tin cậy chính trị lẫn nhau, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản ngày càng khăng khít và phát triển mạnh mẽ. Những năm gần đây, Việt Nam luôn được coi trọng trong quan hệ đối ngoại của Nhật Bản. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp nguồn ODA lớn nhất (trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật), đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Những thành tựu 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản tạo nền tảng cho mối quan hệ hai nước cùng đồng hành phát triển, hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới.

Tiềm năng thúc đẩy quan hệ Việt – Nhật lên tầm cao mới

Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều dư địa thúc đẩy mối quan hệ Việt – Nhật lên tầm cao mới. Quan hệ hữu nghị và hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân là tiềm năng, nền tảng quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng gắn bó và tin cậy lẫn nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam  thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 – 25/11/2021 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Ảnh: BNG)

Nhật Bản giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án với tổng vốn trên 64 tỉ USD (FDI từ Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam).Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn tương lai 30, 50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục 6-7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển.

Ông Ryokichi Motoyoshi, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam nhấn mạnh quan hệ Nhật Bản – Việt Nam là mối quan hệ tin cậy và có rất nhiều lĩnh vực có thể hợp tác. Thế giới đã có sự thay đổi về các chuỗi cung ứng. Do sự thay đổi này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Hơn thế, dân số Việt Nam gần 100 triệu người, phần lớn là người trẻ tuổi, Việt Nam đang trở thành quốc gia rất hấp dẫn để mở rộng ngành dịch vụ và khởi nghiệp với doanh nghiệp Nhật. Hiện Nhật bản có trên 200 doanh nghiệp Nhật  đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó hơn 60% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, vượt xa mức trung bình của Asean là 47%. Điều này chứng tỏ mức độ sẵn sàng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam là lớn nhất.

Về hợp tác lao động, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn và chủ lực của Việt Nam. Nhiều người lựa chọn sang Nhật làm việc là bởi mức thu nhập cao, môi trường sống văn minh, hiện đại. Đồng thời cũng là cơ hội tốt để cải thiện kinh tế và phát triển bản thân. Thông kê mới nhất của cục quản lý lao động ngoài nước thì Năm 2022 có hơn 127.000 lao động sang làm việc tại Nhật Bản, cao gấp 6 lần năm 2021. Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số, khan hiếm nguồn nhân lực, cần nhiều lao động nước ngoài, nhất là lao động Việt Nam. Vì thế quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực này còn phát triển hơn nữa. Hai bên cũng đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế kinh tế, giáo dục…

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,02%. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, quy mô thương mại thuộc nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu về thương mại. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư quốc tế và lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu trên thế giới.

Quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương  theo hướng cân bằng. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ hết sức dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.”. Tăng cường hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới và các giải pháp môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, công nghệ AI và thành lập Trung tâm Tài chính tại Việt Nam có tính chuyên nghiệp, tầm cỡ ở khu vực Châu Á và Quốc tế.

Hiện nay, người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản khoảng 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản (Sau Trung Quốc). Nhiều hội đoàn của người Việt đã được thành lập, như Hội người Việt Nam tại Nhật Bản (VAIJ), Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA), Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Thể thao Việt Nam-Nhật Bản (FAVIJA)…, cùng với 21 hội, đoàn của người Việt ở các địa phương; hơn 70 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác đã tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các hội hữu nghị truyền thống; giao lưu văn hóa, kết nghĩa, đối ngoại Nhân dân với các địa phương Nhật Bản; tăng cường hợp tác, giao lưu về kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam- Nhật Bản không ngừng phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, với những thành tựu và dự địa sẵn có là nền tảng góp phần thúc đẩy quan hệ Nhật Bản – Việt Nam phát triển vượt bậc hơn nữa hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới,  mang lại lợi ích cho nhau./.

Peter Hồng, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll To Top Sidebar