Tin tức

Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thách thức nhưng thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tăng cường mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tin tưởng vào triển vọng cải thiện lợi nhuận và rót vốn đầu tư. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện tốt hơn…

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng sản xuất

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến tháng 7/2023, Nhật Bản có 5.143 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 70,96 tỷ USD (chiếm 15,7%), đứng thứ 3/143 quốc gia/vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore).

Đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, sản xuất, phân phối điện, hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ, khai khoáng… Đây đều là các lĩnh vực phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nhật Bản hiện đã có đầu tư tại 57 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó tỉnh Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu về vốn đầu tư của Nhật Bản với 20 dự án, tổng vốn đầu tư trên 12,57 tỷ USD. Tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, tại Bình Dương đã có thêm nhiều dự án FDI lớn của Nhật Bản đầu tư thêm và mở rộng sản xuất như dự án của Công ty Nitto Denko Việt Nam sẽ khởi công giai đoạn 6 nhà máy với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD; Công ty TNHH MTV SKM Việt Nam khởi công thêm nhà máy 10 triệu USD; Công ty YUWA Việt Nam nhận giấy phép xây dựng thêm dự án có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD…Cùng với đó, Panasonic Electric Works Việt Nam đang mở rộng hệ thống sản xuất và xây dựng một toà nhà mới ngay trong nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Hiện, Nhật Bản có khoảng 350 dự án với tổng vốn đầu tư 5,9 tỉ USD tại Bình Dương…

“Các dự án đầu tư của Nhật Bản đã có tác động lớn tới phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Dự án tiêu biểu là dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2008 tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với nhà đầu tư Nhật Bản. Dự án sản xuất dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất cơ bản, sản xuất plastic, bán buôn xăng dầu”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết.

1.jpg -0
Doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai, có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI

Theo kết quả từ khảo sát thực trạng DN Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022, do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện, có 60% DN Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Trong khi, 53,6% nói triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023 sẽ có cải thiện. Mặc dù kinh tế năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ DN Nhật Bản tin rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh cải thiện vẫn đạt 53,6%, và tỷ lệ DN suy giảm lợi nhuận chỉ là 6,9%. Về phương hướng kinh doanh trong 1-2 năm tới, có 60% số DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam…

Ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch JETRO cho biết, mong muốn của các DN Nhật Bản có thể tiếp tục đầu tư sâu rộng hơn nữa vào thị trường Việt Nam. Các DN Nhật Bản tại Việt Nam đang kỳ vọng trên cả 2 lĩnh vực là “tăng doanh số bán hàng trên thị trường nội địa” và “tăng doanh số bán hàng thông qua mở rộng xuất khẩu”. Trước những tín hiệu tích cực từ phía các DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ichkawa Hideo, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt cho biết, từ năm 1986 Việt Nam đã đổi mới, tích cực phát triển kinh tế thị trường, mở rộng hạ tầng. Đến nay, Việt Nam là một quốc gia có tình hình chính trị – xã hội ổn định, là thị trường hấp dẫn DN Nhật Bản hàng đầu thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để có được kết quả này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ hai nước luôn hỗ trợ, ủng hộ mạnh mẽ, tạo điều kiện, thúc đẩy mối quan hệ đầu tư song phương. Đặc biệt trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn. Đặc biệt, DN Nhật Bản luôn tin tưởng đối với quyết sách của Chính phủ Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai.

Để thúc đẩy hợp tác đầu tư  giữa Việt Nam với Nhật Bản trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cần thực hiện một số giải pháp sau:  Nhật Bản, với vai trò là trung tâm và là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư tài chính xanh, phục vụ nhu cầu phát triển bền vững trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, hạ tầng thông minh, giao thông xanh, DN khởi nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Bên cạnh đó, Hiệp hội DN hai nước sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hiệu quả giữa hai nước. Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của Khuôn khổ hợp tác hai nước như Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, các cơ chế hỗ trợ DN Nhật Bản như Japan Desk.

Với chủ trương hợp tác, thu hút FDI có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI thuộc các ngành, lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp – đô thị; là những ngành, lĩnh vực mà DN Nhật Bản có thế mạnh và đặc biệt quan tâm. Hai nước cùng phối hợp đẩy mạnh liên kết kinh tế ở khu vực, cùng các thành viên khác sớm đưa Hiệp định CPTPP đi vào triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích cho các nước thành viên và toàn khu vực. Về phía Việt Nam, sẽ nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư của Nhật Bản, tháo gỡ khó khăn và rút ngắn thời gian xem xét gia nhập thị trường để triển khai kinh doanh có hiệu quả.

Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ ODA song phương số 1 với Việt Nam sau hơn 30 năm kể từ năm 1992 đến nay, với trên 20 tỷ USD vốn vay, gần 750 triệu USD viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 1,34 tỷ USD hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật. Viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *